Thâm nhập một số cơ sở kinh doanh ở Hòa Đình (phường Võ Cường, Bắc Ninh), PV tận mắt chứng kiến nông sản Trung Quốc nhập về được “lột vỏ” (nhãn mác, bao bì) để biến thành hàng Việt đưa đi tiêu thụ.

Đường đi của rau, củ Trung Quốc

Khi các xe hàng được chuyển từ cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) về tới khu chợ Hòa Đình sẽ tấp vào 2 nhà kho hàng nằm ở 2 bên đường Lý Anh Tông, nơi có đội quân bốc vác đang đứng chờ. Với mỗi xe nông sản trọng tải 40 tấn có từ 5 – 10 người bốc vác trong thời gian khoảng 1 – 2 giờ đồng hồ là hoàn tất.

Xe tải đến nhập hàng ở các cơ sở thu gom, buôn bán hàng nông sản Trung Quốc

Để tìm ra các mánh khóe, chiêu thức “lột xác” từ hàng nông sản TQ thành hàng nông sản Việt của chủ Doanh nghiệp T.H, trong 2 ngày 30 và 31.7, có mặt tại nhà kho nông sản chính của doanh nghiệp, tôi không chỉ được quan sát công nhân làm việc mà còn “sờ tận tay day tận mặt” trực tiếp tham gia vào các công đoạn làm hàng nông sản.

Thực ra, nói về cách “lột xác” nông sản TQ thành nông sản Việt tại Doanh nghiệp T.H cũng không có gì là tinh vi, chủ yếu là phương pháp thay bao bì đơn giản. Khi nông sản được nhập chuyển từ bên kia biên giới qua cửa khẩu về đến nhà kho của doanh nghiệp vẫn mang nhãn mác và bao bì xuất xứ TQ . Tuy nhiên, khi về đến các cơ sở ở đây sẽ bước vào công đoạn lọc và phân loại nông sản, thực chất là thay đổi, đánh tráo bao bì nhãn hàng.

Qua theo dõi nhiều ngày tại cơ sở kinh doanh của Doanh nghiệp T.H, tôi được biết, sau khi đội “cửu vạn” vận chuyển hàng vào kho sẽ có một đội đứng sàng làm hàng ngay (sàng ở đây là một dụng cụ giống như một chiếc giường đơn bằng sắt, có các nan sắt thưa dùng để lọc và phân loại hàng nông sản, tùy theo loại nông sản mà các nan sắt được làm thưa hay dày). Nhưng thường là có 2 loại sàng: Một loại dùng để lọc và phân loại hành nhỏ thì mắt nan sắt dày; một loại nữa là dùng để sàng hành tây to và khoai tây, mắt nan sàng sẽ thưa hơn để lọc bỏ được vỏ và đất cát bám vào hàng. Mỗi sàng, có tầm hơn 10 người túc trực làm.

Từ những bao hàng phôi (chưa phân loại), các loại rau, củ được đổ lên các sàng để lọc và phân loại. Chị Đ- một công nhân ở đây tiết lộ, với mỗi loại nông sản sẽ được bỏ vào các bao riêng móc sẵn trên sàng và không còn “dấu vết” gì của hàng “Tàu” nữa. Cũng theo tiết lộ của công nhân này, loại đẹp bao giờ cũng được đi tiêu thụ ở Hà Nội, còn loại 2 được đưa đi tiêu thụ ở các tỉnh phía Nam, loại thải loại thì cho đưa đi tiêu thụ ở các quán cơm bình dân, nông thôn…

Lợi nhuận siêu khủng

Tôi hỏi thêm Quang thì được biết: Hàng nông sản nhập về đây quanh năm đều là hàng TQ. Trong đó chỉ có ít lô hàng nông sản có kẹp các tờ nhãn mác bằng giấy ghi xuất xứ bằng tiếng Trung, còn lại được đóng bao màu hết. Nhưng sau khi được đưa vào nhà kho của doanh nghiệp, nông sản sẽ được phân loại cẩn thận và đóng vào bao bì màu mới, còn lại toàn bộ số bao bì cũ có dán, in nhãn mác xuất xứ TQ được vứt bỏ ngay (sau đó phóng viên đã kịp lấy lại để chụp ảnh làm mẫu). Hàng sau khi đã đóng bao được xếp vào từng lô riêng có đánh dấu bằng bảng ghi tên từng loại nông sản riêng, chỉ chờ khách đến làm giá mang đi là xong.

Thực ra, nói về cách “lột xác” nông sản TQ thành nông sản Việt tại Doanh nghiệp T.H cũng không có gì là tinh vi, chủ yếu là phương pháp thay bao bì đơn giản. Khi nông sản được nhập chuyển từ bên kia biên giới qua cửa khẩu về đến nhà kho của doanh nghiệp vẫn mang nhãn mác và bao bì xuất xứ TQ . Tuy nhiên, khi về đến các cơ sở ở đây sẽ bước vào công đoạn lọc và phân loại nông sản, thực chất là thay đổi, đánh tráo bao bì nhãn hàng.

Hàng nông sản ở đây chủ yếu được chuyển lên xe vào Nam là chính, thường thì hành tây và hành khô tái làm sẵn sẽ được đưa vào Khánh Hòa và Sài Gòn. Còn lại các loại hàng như khoai tây, cà rốt, gừng được đưa đi các tỉnh miền Trung như Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh là nhiều.

Quang cũng cho biết thêm: Tùy vào mỗi loại hàng nông sản thì bà Huệ ăn chênh lệch mức giá riêng, nhưng thường thì lời khoảng từ 1 đến 2 giá (mỗi giá 1.000 đồng). Ví như hành tái Indonesia (xuất xứ TQ) nhập về với giá từ 7.500 – 8.000 đồng/kg, nhưng khi bán ra là 9.500 – 10.000 đồng/kg.

Còn đối với những loại nông sản thải loại bỏ đi tại nhà kho của doanh nghiệp, sẽ được tập trung ngoài bãi rác ngoài cửa ở mỗi nhà kho, đến khoảng 5 – 6 giờ chiều có một đội quân “nhặt rác” mang đi miễn phí, thay vì chủ doanh nghiệp phải trả tiền cho công ty môi trường thành phố thu gom. Nói là hàng bỏ đi nhưng vẫn còn dùng được, chỉ cần làm lại kỹ đi là có thể bán bình thường, những hàng đó sẽ được mang đi đổ cho các chợ dân sinh.

Chỉ qua 3 ngày thâm nhập vào các cơ sở buôn nông sản như T.N, T.H, chúng tôi mới nhận thấy, thời gian qua lượng hàng rau, củ TQ “đội lốt” hàng nông sản Việt Nam lớn như thế nào. Song không hiểu vì sao, cho đến nay không có cơ quan chức năng nào vào cuộc kiểm tra, xử lý.

Luật sư Trịnh Anh Dũng (Đoàn luật sư TP. Hà Nội): Có thể xem xét xử lý hình sự Đối với việc sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh, người vi phạm sẽ bị xử lý hình sự luôn, không tính định lượng. Những thứ nêu trên đều dùng đưa vào cơ thể con người nếu là hàng giả mặc nhiên là nghiêm trọng. Những thứ rau củ quả như khoai tây, cà rốt, hành tây… là thực phẩm, nếu người buôn bán nhập từ TQ về lại dùng thủ đoạn lột vỏ và nhãn mác để chào bán khiến khách hàng lầm tưởng là sản phẩm trong nước. “Buôn bán hàng giả” là việc thực hiện một, một số hoặc tất cả các hoạt động chào hàng, trưng bày, giới thiệu, quảng cáo, khuyến mại, lưu giữ, bảo quản, vận chuyển, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu và hoạt động khác để đưa hàng giả vào lưu thông. Điều 157 Bộ luật Hình sự quy định với tội danh này ngoài bị phạt tù, người vi phạm còn bị xử phạt bổ sung như phạt tiền, cầm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 – 5 năm.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *