Ông Tuấn cho biết, năm 2011, Bộ Y tế đã ban hành Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia đối với các sản phẩm sữa dạng bột. Theo quy chuẩn này, các sản phẩm có độ đạm (hàm lượng protein sữa trong chất khô không béo của sữa) trên 34% mới được gọi là sữa.

Ảnh minh họa(Nguồn internet)

Qua khảo sát tại các doanh nghiệp, Cục Quản lý Giá nắm được, các sản phẩm sữa đang lưu hành có độ đạm chỉ khoảng 25-32%. Như vậy, theo quy chuẩn mới, ngẫu nhiên các sản phẩm sữa bột dành cho trẻ em dưới 6 tuổi đã chuyển thành các sản phẩm dinh dưỡng, thức ăn bổ sung với nhiều tên gọi khác nhau.

Vấn đề đặt ra là, sang năm 2013, Luật Giá bắt đầu được thực hiện và sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi là một trong các mặt hàng nằm trong danh mục bình ổn giá quy định trong Luật.

Thực hiện quy chuẩn, với tên gọi hiện tại là thức ăn bổ sung, sản phẩm dinh dưỡng…, cơ quan quản lý giá không thể yêu cầu các doanh nghiệp kê khai, đăng ký giá theo quy định của Luật Giá được.

Ông Tuấn chia sẻ, hiện nay, ở nước ta, vấn đề thiếu dinh dưỡng, phát triển trí tuệ cho trẻ em là một việc cấp bách, do vậy, việc cần làm bây giờ là phải xác định các sản phẩm dinh dưỡng (trước đây gọi là sữa) dành cho trẻ em dưới 6 tuổi cần được bình ổn giá theo Luật Giá để bảo vệ quyền lợi cho trẻ.

Theo ông Tuấn, việc quản lý giá sữa thời điểm hiện tại đang ở mức độ cần phải được quy chuẩn lại sao cho phù hợp với Luật Giá, sau đó mới có thể thực hiện các biện pháp bình ổn giá như yêu cầu doanh nghiệp đăng ký giá, thực hiện báo cáo chi phí hình thành giá; tổ chức thanh tra, kiểm tra các yếu tố hình thành giá…

Hay nói cách khác là cụ thể hóa những sản phẩm thực chất là sữa vào trong nhóm mặt hàng “sữa cho trẻ em dưới 6 tuổi” để áp dụng quy định của Luật Giá. Và theo quy chuẩn của Bộ Y tế, những sản phẩm đó có thể là sản phẩm dinh dưỡng công thức cho trẻ em đến 12 tháng tuổi; sản phẩm dinh dưỡng công thức với mục đích y tế đặc biệt cho trẻ em đến 12 tháng tuổi; sản phẩm dinh dưỡng công thức bổ sung cho trẻ em từ 6 đến 36 tháng tuổi.

Ông Tuấn khẳng định, ngay sau khi có ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và quy chuẩn tên gọi của những sản phẩm này, Bộ Tài chính sẽ lập tức yêu cầu các doanh nghiệp thực hiện đăng ký giá, đồng thời tiến hành thanh tra, kiểm tra một số doanh nghiệp thực hiện đưa hàng hóa ra thị trường có mức giá bất thường.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng sẽ yêu cầu doanh nghiệp kê khai mức giá vốn, để làm cơ sở phân tích những yếu tố không hợp lý để có biện pháp tác động vào chi phí nhằm bình ổn giá với sản phẩm này.

H.Vân(baohaiquan.vn)

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *