Phát triển với tốc độ chóng mặt, xe đạp điện hiện được người dân sử dụng khá phổ biến, đặc biệt tại những đô thị lớn, trong đó, phần đông ở lứa tuổi học sinh, sinh viên. Tuy vậy, loại xe này đang phát triển không kiểm soát, từ quy chuẩn chất lượng đến người điều khiển.

Vẫn chưa có quy chuẩn để quản lý xe đạp điện. Ảnh: PHÚ KHÁNH

Phát triển tràn lan

Với ưu điểm không cần bằng lái, không phải dùng xăng, xe đạp điện là lựa chọn của nhiều học sinh, sinh viên và người có tuổi. Nếu như vài năm trước, xe đạp điện còn thống kê được trên sổ sách, giấy tờ thì nay đã phát triển vượt tầm kiểm soát của cơ quan chức năng. 

Tốc độ phát triển của xe đạp điện khiến Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Nguyễn Hoàng Hiệp nhận định là quá tràn lan: “Vừa qua, đi thực tế tại một số địa phương mới thấy, tỷ lệ người sử dụng xe đạp điện phát triển quá nhanh, trong đó, hầu hết không đội mũ bảo hiểm”. Theo đánh giá của Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia, nguy cơ gây tai nạn giao thông của xe đạp điện không kém xe máy bởi tốc độ của loại xe này cũng cao, trong khi phần lớn người điều khiển lại là học sinh, kỹ năng chưa nhiều lại dễ vi phạm giao thông. Đặc biệt, dù luật đã quy định, người điều khiển xe đạp điện cũng phải đội mũ bảo hiểm, nhưng thực tế gần 100% không đội mũ. Ông Nguyễn Hoàng Hiệp lo ngại, nếu các cơ quan quản lý không nhanh chóng đưa ra những biện pháp kiểm soát, quản lý đủ mạnh rất dễ dẫn đến loạn phương tiện, trở thành một trong những nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông.  

Chưa có quy chuẩn quản lý

Chiếm đến 80-90% xe đạp điện đang lưu thông trên thị trường hiện nay là xe nhập khẩu từ nhiều nguồn khác nhau. Vì là loại phương tiện không phải đăng ký, đăng kiểm như xe máy, việc kê khai nhập khẩu xe đạp điện chủ yếu dựa vào kê khai, khai báo.

Thực trạng này được ông Trịnh Ngọc Giao, Cục trưởng Cục Đăng kiểm Việt Nam cho biết, đến nay, vẫn chưa có quy chuẩn, tiêu chuẩn gì để quản lý loại hình phương tiện này. Xe đạp điện nằm trong danh mục sản phẩm, hàng hóa có khả năng gây mất an toàn thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ GTVT. Theo đó, Thông tư 63 về việc quản lý chất lượng các sản phẩm, hàng hóa thuộc nhóm danh mục hàng hóa có khả năng gây mất an toàn được thực hiện theo nguyên tắc sản phẩm, hàng hóa trước khi đưa ra thị trường, hoặc đưa vào khai thác, sử dụng phải được chứng nhận công bố hoặc thử nghiệm, nghiệm thu phù hợp với Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia hoặc quy định về quản lý chất lượng tương ứng do Bộ GTVT ban hành.

Quy định là như vậy, nhưng hiện tại việc quản lý phương tiện này vẫn khá lúng túng. Cụ thể, theo kế hoạch xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, trong năm 2013, Bộ GTVT mới ban hành Thông tư về kiểm tra chất lượng và Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia dùng làm căn cứ để quản lý và kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật đối với xe đạp điện. Ông Trịnh Ngọc Giao cho hay, Cục Đăng Kiểm sẽ trình Bộ GTVT ban hành Thông tư và tháng 11 sẽ trình Bộ GTVT ban hành Quy chuẩn kỹ thuật của xe đạp điện. Khi đó mới có những phương án rõ ràng, đầy đủ, chi tiết.

Đã đến lúc, các Bộ như Công Thương, Khoa học công nghệ, GTVT phải ngồi lại với nhau, tính toán phương án cụ thể để quản lý loại xe này. Sắp tới, Ủy ban ATGT Quốc gia cũng sẽ đưa vấn đề này ra thảo luận, tìm hướng quản lý.

Mặc dù theo tiêu chuẩn, xe đạp điện có vận tốc tối đa không quá 25km/h, nhưng thực tế hiện nay, không ít loại xe đạt vận tốc tới 40km/h, hoàn toàn có thể gây nguy hiểm cho người điều khiển và người tham gia giao thông. Về vấn đề này, ông Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia nhìn nhận, xe đạp điện chưa được quản lý, chưa có một tiêu chuẩn, quy chuẩn nào nên mới dẫn đến tình trạng như hiện nay.

Theo anninthudo.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *