Sử dụng các biện pháp phòng vệ thương mại (PVTM) nhằm bảo vệ sản xuất trong nước đã trở thành một công cụ hữu hiệu. Tuy nhiên, tại VN, công cụ này dường như đã bị “bỏ quên”.

Thiết bị điện – một trong 10 nhóm mặt hàng có nguy cơ cao về cạnh tranh không lành mạnh được WTO “điểm mặt”

Tính đến thời điểm hiện nay, VN đã phải đối mặt với 67 vụ kiện chống bán phá giá (CBPG), trợ cấp. Trong khi đó, các DN VN mới khởi kiện 1 vụ CBPG và 2 vụ xin được áp dụng biện pháp tự vệ.

Mặc dù kim ngạch nhập khẩu của VN trong những năm qua luôn lớn hơn kim ngạch xuất khẩu. Vậy mà hàng hoá trong nước lại phải chịu trận trước sự chênh lệch số lượng các vụ kiện CBPG, trợ cấp. Trong khi đó, thống kê của WTO cho thấy, các quốc gia láng giềng của VN như: Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia đã thực hiện từ 5 đến 35 vụ kiện CBPG mỗi năm. Như vậy, trong khi các quốc gia đã sử dụng nhuần nhuyễn công cụ PVTM thì dường như DN VN vẫn chưa tận dụng được thế mạnh của các công cụ này.

Tuy nhiên, đứng về mặt kỹ thuật, việc thực hiện một vụ kiện CBPG là vấn đề khá phức tạp với những đòi hỏi khắt khe về mặt pháp lý. LS Nguyễn Hải – Cty Luật Mayer Brown lý giải, tâm lý ngại kiện tụng, sợ tốn chi phí vẫn đang đè nặng các DN VN. Các DN nội hiện vẫn đắn đo, suy tính thiệt hơn trước các vụ kiện.

Để chuẩn bị các điều kiện khởi kiện, ông Lê Sỹ Giảng – Phó Trưởng ban PVTM (Cục Quản lý cạnh tranh – Bộ Công Thương) cho biết, khi giá của hàng NK giảm mạnh, trong khi lượng hàng NK lại tăng sẽ làm giảm sức cạnh tranh của DN trong nước chính là dấu hiệu quan trọng cho thấy hàng NK bán phá giá tại thị trường VN. Lúc này, các DN phải xây dựng hồ sơ khởi kiện CBPG, trong đó xác định rõ hành vi bán phá giá và mức độ thiệt hại của DN trong nước. Một trong những nội dung quan trọng cần lưu ý khi xây dựng hồ sơ khởi kiện là 25% hoặc 50% DN của ngành sản xuất bị ảnh hưởng quyền lợi phải đóng vai trò nguyên đơn. Các DN phải thu thập đầy đủ những dữ liệu chứng minh sản phẩm bị điều tra đang được bán theo giá thấp hơn giá bán tại thị trường xuất khẩu và thấp hơn một sản phẩm tương tự tại nước thứ ba.

Dưới góc độ DN, đại diện Cty Thép Bluescope cho rằng, để tạo thuận lợi cho DN sử dụng hiệu quả công cụ này, điều quan trọng nhất là các cơ quan nhà nước như hải quan, thống kê, quản lý thị trường… cần sớm hình thành hệ thống cơ sở dữ liệu thống nhất, chuẩn xác về hàng hóa nhập khẩu, sức tiêu thụ ở thị trường nội địa đối với các nhóm, ngành hàng… Các DN cần được tiếp cận dễ dàng các dữ liệu trên. Nếu không đảm bảo được điều này, khó có DN nào có thể thực hiện tốt các biện pháp PVTM.             

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *