Trong 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra 1.020 vụ, phát hiện và xử lý 290 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách Nhà nước 2.934,97 triệu đồng
Trong 9 tháng đầu năm 2021, đặc biệt vào quý 3/2021, dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn tỉnh diễn biến phức tạp ảnh hưởng đến tình hình sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bình Thuận; Chính quyền địa phương đã thực hiện giãn cách xã hội theo nguyên tắc Chỉ thị 15, Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ và tăng cường một số biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19 tại một số địa bàn, nhiều tổ chức, cá nhân trên địa bàn phải tạm ngừng hoặc phải chuyển sang hoạt động cầm chừng, thu nhỏ quy mô….
Trước diễn biến phức tạp của tình hình dịch Covid-19, lực lượng Quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra, giám sát tại các siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng chuyên doanh và tại các chợ truyền thống để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về giá, đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng hóa kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo an toàn thực phẩm nhằm ổn định giá cả thị trường, ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng hoặc lợi dụng dịch bệnh để nâng giá trục lợi đối với mặt hàng hàng thiết yếu.
Trong 9 tháng đầu năm 2021, lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận đã kiểm tra 1.020 vụ, phát hiện và xử lý 290 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính và bán hàng hóa tịch thu nộp ngân sách nhà nước 2.934,97 triệu đồng (tăng 378 triệu đồng so với cùng kỳ năm 2020) và tịch thu một số hàng hóa vi phạm. Kết quả kiểm tra, xử lý đối với một số mặt hàng, lĩnh vực nổi cộm trên địa bàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm cụ thể:
– Kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng thuốc lá: đã kiểm tra 80 vụ, phát hiện và xử lý 35 vụ vi phạm với hành vi vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 241,71 triệu đồng.
– Kiểm tra, xử lý đối với mặt hàng xăng dầu: đã kiểm tra 84 vụ, phát hiện và xử lý 07 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 110 triệu đồng.
– Kiểm tra đối với mặt hàng mỹ phẩm: đã kiểm tra 16 vụ, phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 272,75 triệu đồng.
– Kiểm tra đối với mặt hàng thực phẩm: đã kiểm tra 132 vụ, phát hiện và xử lý 16 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 84,75 triệu đồng.
– Kinh doanh hàng hóa nhập lậu: đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 41 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 580,5 triệu đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 1.507,81 triệu đồng.
– Buôn bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu: đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 09 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 101 triệu đồng, tổng trị giá hàng hóa vi phạm là 95,88 triệu đồng.
– Nhãn hàng hóa: đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 130 vụ vi phạm, tổng số tiền xử phạt vi phạm hành chính là 1.0375,54 triệu đồng.
Bên cạnh công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, lực lượng Quản lý thị trường đã làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn dưới nhiều hình thức như tổ chức cho 2.226 tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh ký cam kết “Thực hiện niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Không đầu cơ, găm hàng, tăng giá bất hợp lý. Không kinh doanh hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Không kinh doanh hàng hóa nhập lậu, hàng hóa không đảm bảo chất lượng, hàng hóa không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm”.
Trong 03 tháng cuối năm 2021, nhận định tình hình buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt là hoạt động kinh doanh trên nền tàng số. Để tiếp tục thực hiện có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh, Ban Chỉ đạo 389 tỉnh, thời gian tới Cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Thuận tiếp tục triển khai nghiêm túc các nhiệm vụ sau: Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết số 41/NQ-CP của Chính phủ về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; Chỉ thị số 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá; Chỉ thị 17/CT-TTg ngày 19/6/2018 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch 11/KH-BCĐ389 ngày 08/8/2018 của Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng và vị thuốc y học cổ truyền; Kế hoạch 1239/KH-BCĐ389 ngày 13/12/2017 về tăng cường phòng, chống buôn lậu, sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng; tiếp tục thực hiện các Kế hoạch của Cục đã ban hành; tăng cường đấu tranh, phòng chống, xử lý hàng giả, không rõ nguồn gốc xuất xứ, hàng hóa xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát trong thương mại điện tử và tiếp tục tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường chống hoạt động đầu cơ, găm hàng, tăng giá, bán hàng hóa kém chất lượng trong tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp và thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19 theo chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, Ủy ban nhân dân tỉnh.
Nguyễn Trúc Anh – Phòng Nghiệp vụ – Tổng hợp
Cục QLTT Bình Thuận