Theo Bộ Tài chính cần sớm hoàn thiện pháp luật về chống chuyển giá theo hướng nâng lên thành Luật; hoàn thiện, bổ sung các quy định chặt chẽ trong pháp luật về thuế, ngoại hối, cơ sở dữ liệu… để kiểm soát, ngăn chặn chuyển giá từ khi thành lập và trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Qua công tác nắm tình hình, tình trạng gian lận trong hoạt động XNK, chuyển giá, trốn thuế của các DN FDI hiện nay diễn ra phức tạp. Tập trung chủ yếu ở các hành vi gian lận như: Đầu tư xây dựng nhà máy, cơ sở sản xuất tại Việt Nam nhưng chỉ sản xuất hoặc gia công đơn giản chủ yếu nhằm mục đích chuyển tải hàng hóa, giả mạo lấy xuất xứ Việt Nam để XK vào thị trường Hoa Kỳ, Châu Âu, Nhật Bản…

Hành vi nâng khống giá trị máy móc, thiết bị khi nhập tạp tài sản cố định rất cao so với giá trị thực nhằm tăng chi phí, trốn thuế thu nhập DN và các loại thuế khác. Một số DN đưa máy móc, thiết bị công nghệ lạc hậu hoặc đã khấu hao sang nhằm mục đích di chuyển nhà máy cơ sở ô nhiễm.

Khai vống hàng hóa, nguyên liệu, vật tư khi NK nhằm tăng chi phí, giảm lợi nhuận tạo “lỗ giả, lãi thật” gây thất thu NSNN, tạo ra sự cạnh tranh không lành mạnh với các DN trong nước, tác động không tốt đến môi trường đầu tư. Thủ đoạn chủ yếu khai tăng nhiều lần trị giá nguyên liệu vật tư là mua bán 3 bên hoặc mua bán với công ty mẹ con, khai tăng nhiều lần trị giá NK máy móc thiết bị nhằm chuyển tiền, lợi nhuận ra nước ngoài.

Hiện nay việc đấu tranh đối với hoạt động chuyển giá, trốn thuế đối với các DN FDI tập trung ở khâu nội địa, Chính phủ đã ban hành Nghị định 132/2020/NĐ-CP về quản lý thuế đối giao dịch liên kết . Về phía cơ quan Hải quan việc đấu tranh đối với nhóm DN này rất khó khăn do hoạt động chuyển giá tinh vi phức tạp, có yếu tố nước ngoài, khó thu thập chứng cứ. Nhiều DN hoạt động trong lĩnh vực chế xuất, gia công sản xuất XK, nguyên liệu, vật tư thuộc đối tượng miễn thuế nên khó kiểm soát trong khai báo…

Mai Ka

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *