Việt Nam cần xây dựng hành lang pháp lý để phát triển công tác hòa giải thương mại. Công tác này sẽ giảm quá tải cho hệ thống tòa án, thêm thu nhập cho giới luật sư, tiết kiệm chi phí và thời gian cho doanh nghiệp trong việc giải quyết tranh chấp. Các đại biểu tham gia hội thảo định hướng xây dựng Dự thảo Nghị định về hòa giải thương mại do Bộ Tư pháp tổ chức sáng 10-7 có chung nhận định trên.
Theo kinh nghiệm của Thẩm phán Patrick J. King (Mỹ) thì tại Mỹ có đến 95% vụ tranh chấp được giải quyết nhờ hòa giải thương mại, chỉ 5% phải đưa ra xét xử tại tòa. Hầu hết các hợp đồng thương mại đều quy định nếu có tranh chấp thì đưa ra hòa giải trước, không hòa giải thành mới ra trọng tài hoặc tòa án.
Thẩm phán King cũng cho rằng Việt Nam có thể học tập mô hình “hòa giải kiểu Ý”. Ở Ý, hệ thống tòa án quá tải với lượng án khổng lồ, nhiều vụ tranh chấp phải đợi đến tám năm mới được xét xử. Vì vậy từ năm 2011, nước này đã bắt buộc các tranh chấp phải qua một lần hòa giải (tối đa bốn tháng) trước tố tụng, được bảo mật về nội dung. Giá trị của biên bản hòa giải thành tương đương một bản án. Tổ chức hòa giải và hòa giải viên phải đáp ứng điều kiện nhất định, được Bộ Tư pháp công nhận… Nhờ đó đã có trên 30.000 vụ tranh chấp tại Ý được giải quyết nhanh chóng nhờ hòa giải thành, đạt khoảng 50%.
Ngoài kinh nghiệm của các chuyên gia quốc tế, Bộ Tư pháp cũng đang lấy ý kiến của cộng đồng doanh nghiệp, giới luật sư để xây dựng nghị định về hòa giải thương mại.