Từ vụ việc khoảng 2.900 tấn giá đỗ có ngâm hóa chất 6-Benzylaminopurine được tung ra thị trường bị phanh phui đến vụ cơ sở bánh cốm nổi tiếng Nguyên Ninh (Hà Nội) bị tạm dừng hoạt động cho thấy vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất kinh doanh là hết sức quan trọng. Đây cũng là vấn đề không hề đơn giản, nhất là đối với những đơn vị sản xuất kinh doanh các mặt hàng đặc sản địa phương.
Thực trạng này cũng gióng lên hồi chuông cảnh báo: dù có là một thương hiệu nổi tiếng như thế nào thì chỉ cần lơ là vấn đề chất lượng, quy trình chuẩn vệ sinh thì hậu quả là sẽ là không nhỏ. Quan trọng hơn là đơn vị sản xuất sẽ bị mất lòng tin của người tiêu dùng, từ đó việc sản xuất kinh doanh có thể phải dừng mãi mãi.
Thống kê của ngành chức năng cho thấy, riêng năm 2023, cả nước vẫn có gần 2.100 người ngộ độc thực phẩm, trong đó có 28 người chết. Còn đến đầu tháng 12/2024, cả nước có 131 vụ ngộ độc thực phẩm, làm 3.791 người bị ngộ độc và làm chết 21 người. Điều này cho thấy vấn đề thực phẩm bẩn, thực phẩm không an toàn chưa hết “nóng”, nguy cơ mất an toàn thực phẩm ngày càng tăng.
Và từ những vụ mất an toàn vệ sinh thực phẩm xảy ra thời gian gần đây cũng nói lên rằng nguy cơ mất an toàn hiện hữu ở mọi khâu từ sản xuất, chế biến, vận chuyển, tiêu thụ và bảo quản.
Theo giới chuyên gia, bất kỳ hàng hóa, sản phẩm nào cũng có nguy cơ mất an toàn. Ngay những dòng sản phẩm lên men, nếu quá trình bảo quản không có tốt độ ẩm cao thì sẽ bị nhiễm nấm (nấm mốc). Mặc dù có những lúc, nấm mốc có công dụng nhất định như dùng để sản xuất kháng sinh, sản xuất thức ăn chăn nuôi bằng sinh khối… Nhưng nếu sử dụng không đúng, quy trình không đảm bảo, nấm mốc sẽ sinh ra các độc tố, gây hại cho sức khỏe con người.