![]() Lễ hội bánh dân gian Nam bộ - một phương thức kết nối sản phẩm đặc sản với người dùng. |
Chuyện thị trường ngoại: bánh kẹo của Indonesia tràn ngập Sài Gòn và… chúng ta làm gì?
Trước nhất phải khen các doanh nghiệp ngành thực phẩm Indonesia quá năng động và hiệu quả. Các chợ truyền thống khắp nơi nay đã bày rất nhiều các kệ bánh snack phủ phômai Nabati, ngon và rẻ. Siêu thị Co.opmart Nguyễn Đình Chiểu treo bảng quảng cáo Nabati to đùng. Còn HTV quảng cáo cả Nabati và kẹo Milkita nữa. Đi siêu thị, sẽ thấy loại bánh này giống như người lính tiên phong, bắt đầu rủ rê theo các loại nước trái cây, kẹo… sang Việt Nam cạnh tranh.
Nhìn lại, thấy bánh kẹo hàng Việt đâu có thua sút gì, nhưng rõ ràng đang chậm chân trong cuộc đua đến năm 2015, hình thành cộng đồng thị trường chung này. Năm ngoái, BSA đi hội chợ Interfood để tìm lời giải cho sự bành trướng mạnh mẽ của ngành thực phẩm Indonesia trong khu vực, mới hiểu rằng họ đang sở hữu một cánh cổng rất lớn để tiếp cận thị trường thực phẩm thế giới. Đến Interfood không phải để thâm nhập thị trường Indonesia mà là đến với thị trường toàn khu vực và thế giới nữa. Qua nghiên cứu các hội chợ thực phẩm quốc tế, hội DN.HVNCLC quyết định đưa DN qua dự Interfood 2013. Theo yêu cầu của DN, chương trình sẽ có ba tuyến hoạt động thiết thực: thứ nhất, chuyên gia thị trường cùng đi với doanh nghiệp để phân tích xu hướng tiêu dùng mới, sản phẩm mới và cơ hội mới từ hội chợ thực phẩm quốc tế này. Thứ hai, mọi người cùng nhau đi khảo sát thực tế các siêu thị, các chợ đầu mối để trực tiếp cảm nhận về các mặt hàng thực phẩm đang có trên thị trường nhằm đối chiếu, tìm cơ hội thâm nhập các kênh phân phối này. Và thứ ba, gặp gỡ và kết nối trực tiếp với các doanh nghiệp, nhà phân phối lớn của Indonesia do Thương vụ Việt Nam chuẩn bị giới thiệu và đặc biệt qua sắp xếp của hiệp hội Giới chủ của Indonesia.
Hãy liên hệ anh Hà Minh: 0908610821 để còn kịp tham gia chuyến đi đặc biệt này.
Chuyện thị trường nội địa: mở rộng lối cho đặc sản vào siêu thị
Nhiều năm trước, hội DN.HVNCLC bắt đầu vận động thành lập các câu lạc bộ đặc sản địa phương ở ĐBSCL và kết nối các cơ sở sản xuất với các hệ thống siêu thị. Năm 2013, để lối đi của nông sản, đặc sản vào hệ thống siêu thị được bền vững, căn cơ hơn, hội DN.HVNCLC đã ký kết hợp tác với hệ thống Co.opmart để mời các nhà sản xuất đặc sản các địa phương đưa hàng vào siêu thị. Quá trình thâm nhập với các tiêu chí, thủ tục; các công việc mà nhà sản xuất phải chuẩn bị đều được chuẩn bị cụ thể để thông báo cho các nhà sản xuất thấy rõ. Để kịp chuẩn bị các bước cho mùa bán hàng của quý 4, giỏ quà tết… chúng tôi mong các sở công thương, các trung tâm khuyến công, các hội doanh nghiệp các tỉnh đẩy nhanh tiến độ giới thiệu cho chương trình này. Nếu muốn tham gia dự án, hãy gọi chị Huỳnh Yên: 0919510372.
Cuối tháng 7, trong cuộc gặp thân tình giữa 40 cán bộ (và chuyên gia thị trường cùng đi) của BSA và văn phòng báo Tuổi Trẻ tại Đà Lạt, Lâm Đồng, nhà báo Nguyễn Văn Tiến Hùng – trưởng văn phòng tha thiết: “BSA làm gì đi. Có Hàng Việt Nam chất lượng cao rồi, hay là làm thêm hàng Đà Lạt chất lượng cao, rau Đà Lạt chất lượng cao, mứt Đà Lạt chất lượng cao… Bây giờ những người yêu đặc sản Đà lạt đang hoang mang lắm vì mấy món này đều đang bị Trung Quốc hoá hết trơn…” Chuyên gia thị trường từng có duyên nợ với dự án “Xây dựng thương hiệu cho hoa Đà Lạt” Nguyễn Duy Thuận bay lên Đà Lạt ngay và cùng với một số chuyên gia khác quyết định… thuê đất, bắt tay thực nghiệm ngay. Thảo luận với một số doanh nghiệp, giám đốc điều hành một công ty thực phẩm lớn nhất gật đầu đồng ý làm tư vấn chính thức cho dự án. Những ý tưởng được đặt lên bàn, sôi nổi thảo luận và đã có một số doanh nghiệp tham gia xây dựng một kế hoạch “Kết nối đặc sản sạch Đà Lạt với thị trường”. Một con đường mới đã được mở ra cho việc tìm lại thương hiệu Đà Lạt của rau củ, của mứt và của thiên nhiên xanh.
Theo SGTT