Theo Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, trong quý 1/2020, trong thị trường nội địa tội phạm sản xuất, buôn bán hàng cấm, hàng giả, xâm phạm sở hữu trí tuệ vẫn diễn ra phức tạp.

Gia tăng kiểm tra, kiểm soát hàng hóa trong thị trường nội địa. Ảnh: TH

Lợi dụng nhu cầu mua sắm trong dịp Tết tăng cao, các đối tượng tập trung vào các loại hàng hóa tiêu dùng phục vụ tết như bánh kẹo, mỳ chính, bột ngọt, thực phẩm chức năng, thuốc tân dược… Hàng giả chủ yếu sản xuất tại Trung Quốc sau đó nhập lậu vào nước ta dưới dạng thành phẩm hoặc nguyên liệu để đóng gói trong nước, gây thiệt hại không chỉ về kinh tế mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng; làm thiệt hại không nhỏ đến uy tín, thương hiệu của doanh nghiệp, gây bức xúc trong dư luận xã hội.

Bên cạnh đó, trong quý 1/2020, lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, nhu cầu mặt hàng như khẩu trang y tế, nước sát khuẩn,… tăng cao, nhiều đối tượng đã sản xuất, kinh doanh mặt hàng khẩu trang, quần áo bảo hộ y tế giả, kém chất lượng  ảnh hưởng nghiêm trọng đến công tác phòng chống dịch, gia tăng nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh cho các lực lượng ở tuyến đầu; mua gom, đầu cơ, tăng giá bán hàng hóa bất hợp lý trong nước và xuất lậu sang nước ngoài để kiếm lời. (Điển hình vụ tháng 3/2020, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội phối hợp với  Công an TP Hà Nội  phát hiện 01 cơ sở đang đóng gói hơn 1.300 bộ quần áo bảo hộ y tế mua trôi nổi trên thị trường, dán nhãn một công ty có thương hiệu tại Hà Nội để bán ra thị trường).

Trong thị trường nội địa, BCĐ 389 Bộ Công Thương đã chỉ đạo lực lượng Quản lý thị trường cả nước xây dựng các phương án, kế hoạch cụ thể để triển khai thực hiện; tăng tần suất kiểm tra, kiểm soát thị trường để kịp thời phát hiện và  xử lý nghiêm các hành vi kinh doanh hàng nhập lậu, sản xuất, kinh doanh hàng giả, vi phạm an toàn thực phẩm trên địa bàn được giao quản lý cũng như phối hợp với các lực lượng chức năng tại địa phương như Công an, Hải quan, Thanh tra chuyên ngành để kiểm tra kiểm soát ngay tại các Cảng hàng không quốc tế Nội Bài, Tân Sơn Nhất, bưu điện quốc tế, chuyển phát nhanh tại Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố lớn khác…. Chú trọng kiểm tra, xử lý nghiêm các vấn đề nổi cộm, gây bức xúc trong dư luận xã hội về sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng là thực phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, vật tư nông nghiệp. Kết quả  đã phát hiện, xử lý 37.414 vụ vi phạm, nộp ngân sách nhà nước 97 tỷ 660 triệu đồng.

T.Lan

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *