Năm 2020, BCĐ389/Lạng Sơn đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị chức năng tích cực đấu tranh ngăn chặn, xử lý buôn lậu, gian lận thương mại (GLTM), hàng giả và đã đạt nhiều kết quả tích cực. Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ389 Lạng Sơn, Lương Trọng Quỳnh đã có cuộc trò chuyện cùng PV xung quanh vấn đề này.
Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng BCĐ389 Lạng Sơn, Lương Trọng Quỳnh
Xin Phó chủ tịch cho biết, thực trạng buôn lậu, GLTM và hàng giả năm 2020 trên địa bàn tỉnh diễn ra như thế nào?
Trước Tết Nguyên đán Canh Tý 2020, tình hình buôn lậu diễn biến phức tạp. Phương thức, thủ đoạn buôn lậu vẫn là mang vác nhỏ lẻ hàng hóa qua các khu vực đường mòn, lối mở dọc biên giới, chủ yếu tập trung tại một số khu vực thuộc xã Tân Thanh, xã Tân Mỹ (Văn Lãng), thị trấn Đồng Đăng (Cao Lộc)…, được vận chuyển bằng xe ô tô về nội địa theo các tuyến quốc lộ 1A, 1B.
Hàng lậu chủ yếu là quần áo may sẵn, hàng tiêu dùng, mỹ phẩm, các loại bánh, kẹo, các loại hạt tẩm ướp gia vị, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm… Trong đó, có nhiều mặt hàng là hàng giả, hàng vi phạm quyền SHTT và hàng cấm.
Từ tháng 2/2020 đến nửa đầu tháng 4/2020, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, lực lượng chức năng 2 bên biên giới tăng cường quản lý hoạt động xuất nhập cảnh trái phép, do vậy không có hoạt động vận chuyển hàng hóa nhập lậu. Nhưng dịp này xảy ra việc lén lút xuất lậu mặt hàng khẩu trang sang Trung Quốc, do nhu cầu tiêu dùng bên kia biên giới tăng cao, có sự chênh lệch giá.
Từ cuối tháng 4/2020 đến giữa tháng 6/2020, tình hình buôn lậu qua đường mòn hầu như không có, nhưng xuất hiện GLTM về số lượng hàng hóa NK hàng hóa qua biên giới, sau đó sử dụng hóa đơn bán hàng của một số cá nhân kinh doanh khu vực biên giới, vận chuyển qua đường bưu điện, qua dịch vụ chuyển phát nhanh vận chuyển trên các loại xe ô tô vào sâu trong nội địa.
Từ tháng 7/2020 trở lại đây, hoạt động mang vác hàng lậu nhỏ lẻ trên một số đường mòn qua biên giới khu vực ngách Hang Dơi, Đồi 386 (Tân Mỹ), Đồi Cao, xã Tân Thanh (Văn Lãng), một số lối mòn qua biên giới khu vực Tú Mịch, Yên Khoái, Mẫu Sơn (Lộc Bình), hoạt động nhập lậu nguyên liệu thuốc bắc, gia cầm giống, sản phẩm gia súc…
Các đối tượng lợi dụng đêm tối, giờ giao ca để mang vác qua biên giới theo các đường mòn, sau đó ghi hóa đơn bán hàng, sử dụng dịch vụ chuyển phát nhanh, dịch vụ bưu chính, chạy ô tô trên các tuyến đường vận chuyển vào nội địa.
Trước tình hình đó, BCĐ389 Lạng Sơn đã triển khai công tác đấu tranh như thế nào?
Ngay từ đầu quý IV/2019, BCĐ389/Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch về chống buôn lậu, GLTM và hàng giả 2020.
BCĐ389 tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng triển khai công tác chống buôn lậu trên cơ sở thực hiện chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ về các biện pháp cấp bách phòng chống dịch Covid-19. Các đơn vị chức năng, một mặt đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, mặt khác, kiểm soát chặt chẽ hoạt động xuất nhập cảnh khu vực biên giới.
Cụ thể, các lực lượng chức năng đã tổ chức tuần tra ngăn chặn triệt để hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới và quản lý xuất nhập cảnh, phòng chống dịch Covid-19; tăng cường lập hàng rào, tạo vật cản với hàng trăm km trên biên giới, nhất là tại một số địa bàn trọng điểm biên giới các xã Tân Thanh, Tân Mỹ (Văn Lãng), Yên Khoái, Tú Mịch (Lộc Bình); lập và duy trì thường xuyên các lán chốt chặn, tổ cơ động (duy trì thường xuyên 125 lán, chốt cố định và 31 tổ cơ động với tổng quân số 991 người).
Năm 2020, phía Trung Quốc đã rào kiên cố khoảng 110 km trên toàn tuyến biên giới với Lạng Sơn nhằm ngăn chặn xuất nhập cảnh trái phép, góp phần giảm áp lực chống xuất nhập cảnh trái phép qua biên giới.
Trong tỉnh, các lực lượng chủ động nắm chắc địa bàn, phòng ngừa, đấu tranh với các đối tượng buôn lậu, GLTM, hàng giả, hàng cấm, tập trung vào các mặt hàng vật tư y tế liên quan đến phòng chống dịch Covid-19, hoạt động mua bán, vận chuyển tàng trữ các loại pháo, đồ chơi bạo lực, vũ khí thô sơ… Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường hàng hóa, nhất là hoạt động kinh doanh thông qua thương mại điện tử dịp phòng chống dịch Covid-19; tuyên truyền ký cam kết, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh hàng hóa là sản phẩm y dược, vật tư y tế và các loại thuốc liên quan đến phòng chống dịch.
Kết quả sơ bộ, các lực lượng chức năng đã kiểm tra, xử lý vi phạm 4.365 vụ buôn lậu, GLTM, hàng giả, hàng cấm (bằng 81,27% so cùng kỳ 2019); xử phạt vi phạm hành chính 3.593 vụ (bằng 84,7% so cùng kỳ). Tổng số tiền xử lý vi phạm hành chính 66.381.268.000 đồng (bằng 62,03% so cùng kỳ). Đã khởi tố 328 vụ (bằng 95,07% so cùng kỳ), 482 đối tượng (bằng 96,98% so cùng kỳ).
Lực lượng QLTT Lạng Sơn tăng cường kiểm tra hàng hóa
Là tỉnh vùng biên, bên cạnh những kết quả đạt được, theo ông, đâu là những khó khăn, hạn chế trong công tác này?
Năm 2020, điểm nhấn quan trọng trong công tác đấu tranh chống buôn lậu, GLTM và hàng giả của BCĐ389 tỉnh đó là đã thường xuyên chỉ đạo các đơn vị chức năng, có những giải pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời. Nhờ đó, tình hình buôn lậu, GLTM và hàng giả giảm so cùng kỳ 2019.
Công tác kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh đối với tập thể, cá nhân trong lực lượng chống buôn lậu được tăng cường. Các lực lượng chức năng có sự phối hợp đồng bộ, hiệu quả, triển khai quyết liệt nhiệm vụ được giao.
Thị trường hàng hóa nội địa cơ bản ổn định, nhất là trong thời gian cao điểm phòng chống dịch Covid-19, không có hiện tượng tăng giá, ép giá, găm hàng, tung tin thất thiệt gây rối loạn thị trường. Môi trường đầu tư, kinh doanh, hoạt động XNK qua địa bàn tiếp tục được quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các DN làm ăn chân chính, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Tuy nhiên, do Lạng Sơn là tỉnh biên giới nên tình trạng GLTM qua hoạt động XNK luôn tiềm ẩn và diễn biến phức tạp, với thủ đoạn vi phạm tinh vi như khai hải quan không đúng chủng loại hàng hóa, trà trộn hàng lậu, hàng cấm trong các phương tiện vận chuyển hàng hóa NK, lợi dụng quy định ghi nhãn hàng hóa nhập khẩu để gian lận về nguồn gốc xuất xứ.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng nhập lậu như thuốc bắc, nầm lợn, gia cầm giống…, một số thủ đoạn vận chuyển về nội địa xuất hiện qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh.
Hoạt động kinh doanh hàng hóa qua thương mại điện tử trên thị trường nội địa phát triển mạnh, nhất là thời điểm xảy ra đại dịch Covid-19, gây khó khăn trong kiểm soát về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, chế độ hóa đơn chứng từ, nghĩa vụ nộp ngân sách và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Ngoài ra, với một tỉnh miền núi, biên giới, địa hình phức tạp, có nhiều đường mòn, lối tắt qua lại biên giới, rất khó khăn cho các lực lượng chức năng chốt chặn, kiểm soát triệt để hoạt động buôn lậu qua biên giới.
Trên cơ sở đó, BCĐ389/Lạng sơn kiến nghị, đề xuất:
Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ban, ngành liên quan sớm xem xét, phê duyệt chủ trương thực hiện thí điểm cho NK dược liệu qua cửa khẩu Chi Ma; tiếp tục xem xét, sửa đổi các quy định hiện hành theo hướng tạo điều kiện thuận lợi cho NK dược liệu, hạn chế tình trạng nhập lậu dược liệu.
Tiếp tục rà soát, hoàn thiện các quy định về hóa đơn, chứng từ đối với hàng hóa sản xuất ngoài Việt Nam lưu thông trên thị trường nhằm bảo đảm quản lý chặt chẽ về thu ngân sách, nguồn gốc hàng hóa.
Sớm nghiên cứu, hoàn thiện các quy định của pháp luật về quản lý hoạt động thương mại điện tử, bán hàng đa cấp, quản lý dịch vụ vận chuyển qua dịch vụ bưu chính, chuyển phát nhanh bảo đảm phù hợp với xu thế phát triển công nghệ thông tin, chuyển phát nhanh hiện nay.
Trân trọng cảm ơn Phó chủ tịch!
Nguyễn Kiên – Văn Thanh (Thực hiện)